Trong
giới thư pháp VN, khi nhắc tới Viên Ngộ, người ta luôn ngỡ ngàng trước lối thư
pháp độc đáo, mới lạ họa chữ nên tranh. Để sáng tác và theo đuổi đam mê môn thư
pháp họa độc tôn này, ít ai biết rằng ông đã phải đóng cửa “ở ẩn” suốt 1 thời
gian dài và thậm chí phải đánh đổi cả hạnh phúc gia đình hiện tại.
MÊ
THƯ PHÁP HƠN…..VỢ
Viết
thư pháp, 1 nghệ thuật tưởng chừng đã cũ kỹ, lâu đời nay được “cách tân” sống động
qua những nét vẽ tài họa của nhà “thư pháp họa” Viên Ngộ. Dù đã qua tuổi thất
thập nhưng trong ông luôn cháy lên 1 niềm đam mê đeo đuổi con đường dùng nét chữ
để cảm hóa con người. Không chỉ là 1 bức thư pháp thông thường, trong tác phẩm
của ông, chữ họa nên tranh, tranh tạo thơ, nhạc…. được hòa quyện vào nhau 1
ca1cg tinh tế.
Mỗi tác phẩm thư pháp Viên Ngộ tạo ra đều
buộc người xem phải nghiền ngẫm, suy tưởng để nhận ra ý nghĩa sâu sắc, những
giá trị nhân bản tốt đẹp ẩn chứa trong đó. Chính vì thế mà ông được mệnh danh
là “ông đồ lạ lùng” nhất trong giới thư pháp hiện nay. Ít ai biết rằng, để tạo
nên dấu ấn thành công hôm nay, ông đã phải hy sinh cả hạnh phúc riêng tư vì …
trót “mê” thư pháp.
“Thư pháp họa khiến con người ta hướng đến
chân thiện mỹ. Trải qua rất nhiều nghề nhưng khi đến với thư pháp, tôi mới cảm
thấy thanh thản và mãn nguyện trong tâm hồn. Nó là 1 cơ duyên vô cùng đặc biệt
đến với tôi, như người bạn tri kỷ vậy”, nhà thư pháp tâm sự.
Đã hơn 15 năm trời trôi qua, ông vẫn say mê
sáng tạo nên những tác phẩm thư pháp mà quên đi hạnh phúc riêng của mình. Ngày
đó, ông còn là chủ 1 xưởng mộc nhỏ với nhiều nhân công. Nhưng rồi không may
trong 1 tai nạn, xưởng mộc phải đóng cửa sau khi đã tiêu tán gia tài vào việc
chữa trị cho ông. Chán nản vì bản thân ngày càng xuống dốc, ông đành ở nhà dưỡng
bệnh rồi vùi mình vào đọc sách. Và chính từ đây đã mang lại cơ duyên đến với
thư pháp mà ông vô cùng lạ lẫm…
“Trong 1 lần đi xem triển lãm thư pháp tại
Thiền viện Vạn Hạnh, tôi đã cảm thấy vô cùng thích thú và mê mẩn khi được chiêm
ngưỡng chúng. Từ đó tôi bắt đầu cất công tìm hiểu về thư pháp nhưng không thích
đi theo lối mòn của thư pháp truyền thống. Viết chữ bằng cọ thì không có gì lạ,
viết chữ bằng hình tượng mới biểu đạt được cảm xúc mà mình muốn truyền tải. sau
khi ngộ ra điều ấy, tôi bắt đầu đóng cửa phòng suốt 2 năm trời để luyện chữ
theo phong cách thư pháp họa”, ông chia sẻ.
Thấy chồng suốt ngày đóng kín cửa luyện chữ
trong thời gian dài đăng đẵng, người vợ tỏ ý không vừa lòng cho rằng ông “có vấn
đề”. Về sau, khi ông lại nảy sinh “tật mới” ăn chay trường khiến mâu thuẫn gia
đình lại càng thêm lục đục. Thấm vẻ đượm buồn, ông bày tỏ:” Lúc ấy, tôi chỉ biết
vùi mình vào việc luyện thư pháp mà bỏ ngoài tai lời khuyên của vợ. Vì niềm đam
mê này mà vợ chồng tôi không thể nào dung hòa với nhau. Bởi vậy nên tôi đã quyết
định dọn ra ở riêng để được tự do sáng tác thư pháp. Dẫu biết đó là hành động vội
vàng đã khiến hạnh phúc gia đình bị đứt đoạn nhưng tôi mong sau này bà ấy sẽ hiểu”.
Năm 2013, Viên Ngộ đã mở triển lãm thư pháp
họa đầu tiên với chủ đề “Danh nhân và thắng cảnh Quảng Ngãi”. Những danh thắng
của quê hương nơi ông sinh ra được thể hiện qua những nét chữ thần tình, khí chất
của người con xứ Quảng. Từ đây, 1 trường phái đặc sắc “thư pháp họa Viên Ngộ”
ra đời khiến cho bao nhiêu người xem phải nức lòng thán phục.
TẾT
“MUA VUI” CHO NGƯỜI
Đến
với thư pháp họa Viên Ngộ, người xem như lạc vào 1 thế giới sống động của thơ,
nhạc, họa, màu sắc và những cung bậc cảm xúc mãnh liệt. Ông tiết lộ:”Thư pháp họa
hội tụ 7 môn nghệ thuật: thơ, văn,nhạc, hội họa, thiền, triết, võ thuật. Nếu
thơ làm con người ta biết rung cảm, thì thiền, triết dẫn ta đến những triết lý,
suy tưởng theo hướng chân, thiện, mỹ của con người.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là hình tượng để
biểu đạt nội dung và ý nghĩa của con chữ. Tôi viết thư pháp không chạy theo 1
quy chuẩn nào mà theo cảm hứng. Người xem cũng không thưởng thức theo kiểu
thông thường mà buộc phải chiêm nghiệm, nghiền ngẫm mới cảm nhận được ý nghĩa của
hình tượng đằng sau nét chữ thư pháp”.
Tác phẩm đầu tay của ông đến nay vẫn được
người xem vô cùng yêu thích chính là 2 chữ “yêu thương”. Xem bức thư pháp, người
xem thích thú khi nhìn thấy nét chữ đã hóa thành 1 chú chim đậu trên cành hoa.
Yêu thương, đơn giản như 1 sự gắn bó thân mật như thế, nó tạo nên cho người thưởng
thức 1 sự bất ngờ đầy thi vị.
Có lẽ tác phẩm mà ông tâm đắc nhất là chữ
“Nhẫn” trong bộ môn Thiền học m2 ông đang theo đuổi. Ông chia sẻ:”Chữ Nhẫn được
tạo nên từ 4 giọt nước rơi vào lòng hồ chờ đến khi đầy. Ngụ ý dù có trở ngại bao
nhiêu, chỉ cần có sự kiên nhẫn sẽ làm nên thành công”. Nhìn vào gia tài thư
pháp đồ sộ của Viên ngộ, không ai khỏi trầm trồ khi thưởng thức những bức tranh
muôn hình vạn trạng với đủ cung bậc cảm xúc ở đây.
Điều làm nên sự “khác người” trong thư pháp
Viên Ngộ là dùng chữ để khắc họa tính cách con người. Ông bảo, khi viết tên 1
người nào đó phải có thời gian tìm hiểu tính cách con người thông qua trò chuyện,
ánh mắt, cử chỉ mới nảy ra ý tưởng hình tượng phù hợp nhất minh họa cho tên
nhân vật. Ông phải bắt được thần thái, nét đẹp tâm hồn để gửi gấm vào tác phẩm
cho mỗi người.
Thông thường ông hẹn khách hàng ngày hôm sau
đến lấy tác phẩm hoàn thiện vì những ý tưởng thường đến nhanh hay chậm tùy theo
cảm xúc đôi với mỗi khách hàng. Đặc biệt là những khách hàng nước ngoài, ông
chia sẻ:”Nhiều người Mỹ, Anh, Pháp… đến bảo tôi viết thư pháp tên của họ. tôi
thường phải suy nghĩ nhiều hơn và lâu hơn để hình thành nên ý tưởng cho những
cái tên nước ngoài như thế này. Chữ La tinh được hình tượng hóa theo chữ Việt
đòi hỏi 1 sự tập trung và kỳ công rất lớn”.
Ngày Tết thì ông còn gặp bao nhiêu cặp nam
thanh nữ tú ngỏ ý muốn ghép tên đôi. Và chính tình yêu và khí trời xuân ấy đã
làm cho những nét bút của Viên Ngộ càng thêm bay bổng, thăng hoa. Ông bày tỏ:”Viết
tên thư pháp 1 người đã khó, viết tên 2 người yêu nhau càng đòi hỏi cảm xúc và ấn
tượng riêng. Ngoài tính cách từng người còn là những nơi hẹn hò, những món quà
mà họ đã tặng nhau…Khi tìm hiểu xong những điều đó tôi mới bắt đầu hình dung về
những kiểu lồng ghép để tạo nên dấu ấn riêng cho mỗi cặp đôi”.
Nhắc đến những tình yêu đẹp đã từng tạo nên
trên mực tàu, giấy đỏ, ông còn nhớ đến 1 cặp đôi Mỹ-Việt.”Anh chàng người Mỹ giới
thiệu nghề trồng cây kiểng, còn cô gái tên Mai, làm tiến sỉ ở đây. Lúc đó, tôi
đã nảy ra ý tưởng ghép 2 tên thành hình tượng cây bonsai với tư thế vươn tới
ánh nắng mặt trời. Hôm sau khi nhìn thấy bức thư phá, họ ôm nhau vui sướng rồi
trả tiền gấp đôi nhưng tôi từ chối. Thấy họ hạnh phúc tôi cũng thấy vui lây”,
ông cười tươi nói.
Năm hêt, tết đến là thời điểm mọi người xum
họp, quây quần bên gia đình nhưng riêng ông lại mang trách nhiệm “mua vui”, sự
may mắn cho khách du xuân. Cứ tầm ngày 20 đến 28 giáp Tết, ông lại chuẩn bị mực
tàu, giấy vẽ đến Cung Văn hóa Lao động để viết những câu chúc, đối xuân theo
yêu cầu của khách chuẩn bị đón Tết. Nhưng chưa dừng lại ở đó, đến sáng mùng 1 Tết,
theo lời mời các chùa ở khắp nơi, ông lại gói ghém bút lông đi viết chữ cho
khách du xuân thưởng ngoạn….
Trong khi người người tấp nập đi du xuân, thì
ông vẫn ngồi đó đem lại niềm vui đầu xuân cho thiên hạ. Ông tâm niệm:”Được viết
thư pháp là niềm đam mê lớn nhất của tôi. Ngày Tết cũng vậy, được làm điều mình
thích và chứng kiến cảnh người ta nô nức du xuân là tôi cũng cảm thấy ấm lòng.
Có lần, tôi cũng ghé qua thăm các cháu nhưng rồi lại đi ngay. Gần 15 năm rồi,
tôi đã quen dần với những cái Tết 1 mình như vậy ….”
NGỌC
VÂN – HOÀNG GIANG
Báo
CÂU CHUYỆN PHÁP LUẬT
Số
371 – T1/2016