Đến với thư pháp họa hình khi tuổi đời đã cao,
nhưng đam mê thì mới bắt đầu được thắp lửa. Bao sóng gió của cuộc đời được ông
chiêm nghiệm, chuyển tải vào những bức thư pháp họa vô cùng độc đáo & rất đậm
tính nhân văn.
NGỌC TRONG ĐÁ
Viên
Ngộ tên thật là Trần văn Ngộ, sinh năm 1945 tại Quãng Ngãi, vào Tp. HCM lập
nghiệp năm 1965. Trước khi “ăn đời ở kiếp” với thư pháp họa hình, ông từng là
người đàn ông trụ cột trong 1 gia đình có 6 người con. Từng là chủ của 1 xưởng
mộc với cuộc sống khá ổn định, nhưng 1 tai nạn lao động ập đến khiến sức khỏe của
ông yếu dần, và phải bỏ nghề làm mộc.
Ông bắt
đầu tìm kiếm cho mình 1 nghề phù hợp với sức khỏe để kiếm kế sinh nhai, nuôi
gia đình. Đã có thời gian ông theo đuổi âm nhạc vì nghĩ rằng mình có khả năng
sáng tác thơ ca, sẽ phù hợp với nghề, thế nhưng việc đó cũng chẳng tồn tại được
bao lâu.
Năm
1995, trong 1 lần đi xem triễn lãm tại Thiền viện Vạn hạnh, ông thấy thích những
bức thư pháp, rồi từ đó ông bắt đầu đam mê & tìm đọc rất nhiều sách về thư
pháp nhưng lại không thích theo đường nét của lối thư pháp truyền thống.
Sau buổi triển lãm, Viên Ngộ như bị cuốn hút
vào đam mê thư pháp, ông suốt ngày đóng chặt cửa phòng luyện chữ, điều đó khiến
vợ ông buồn lòng. Quyết tâm luyện thư pháp họa cộng với việc ông quyết định ăn
chay trường khiến mối quan hệ vợ chồng thêm căng thẳng.
Kinh tế gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn,
tình cảm vợ chồng bị rạn nứt mà không thể hàn gắn. Thế nên, ông thầm lặng ra đi
với đôi bàn tay trắng, để lại toàn bộ gia sản cho vợ và các con.
Từ đây sóng gió cuộc đời bắt đầu tìm tới ông
ở cái tuổi tưởng chừng được hưởng sự an nhà. Những ngày mới bước chân ra khỏi
nhà, cuộc sống vô cùng khó khăn nên phải nhờ sự trợ giúp của bạn bè, tình cảnh
của ông lúc đó hết sức éo le…
Thế nhưng, ông giống như “ngọc trong đá”,
gian nan cuộc đời giống như những trận đòn mài dũa đã khiến tài năng, tâm trí của
ông bừng sáng. Ông tâm sự: “Trong những tháng ngày đó, tôi vừa là trò nhưng
cũng vừa là thầy, tham dự rất nhiều buổi triễn lãm thư pháp tài ba với những
tác phẩm quá đỗi diệu kỳ trong nghệ thuật thư pháp.
Năm 2006, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức
triển lãm thư pháp của nhà thư pháp Viên Ngộ, người con quê hương Quảng Ngãi
đang sinh sống tại tp. HCM. Buổi triển lãm thư pháp nhằm gây quỹ ủng hộ trẻ em
nghèo Sơn Mỹ.
Nét đẹp trong tâm hồn nhà thư pháp, tài năng
thể hiện trong từng nét chữ của Viên Ngộ đã được các kênh truyền hình như: VTV,
HTV … lấy cảm hứng thực hiện phóng sự, rất nhiều tờ báo đã viết về cuộc đời
& sự nghiệp của ông.
CÁI HỒN TRONG THƯ PHÁP HỌA
Nếu
không cảm nhận được tâm hồn mình, không nhận thấy được xúc cảm của người khác
thì làm sao diễn tả giúp họ 1 tác phẩm có hồn, thư pháp gia Viên Ngộ chia sẻ:
“Việc dùng chữ từ ý tưởng để viết thành hình tượng là cả 1 quá trình của sự
hình dung & sáng tạo. Khi viết tên 1 nhân vật nào đó, dù có nổi tiếng hay
không cũng phải có thời gian tìm hiểu con người ấy ra sao, tính nết của họ như
thế nào và thông qua những cuộc nói chuyệnđể tìm cảm xúc trình bày trong thư
pháp nhằm khắc họa đúng nhất về nhân vật ấy. Như vậy mới tạo nên bức thư pháp họa
vừa đẹp, vừa có hồn, mà lại mang ý nghĩa cuộc sống của con người”.
Đến với thư pháp họa Viên Ngộ, người xem
như lạc vào 1 thế giới sống động của thơ, nhạc, họa và những cung bậc cảm xúc.
Ông tiết lộ: ”Thư pháp họa hội tụ 7 môn nghệ thuật: thơ, văn, nhạc, hội họa,
thiền, triết, võ thuật. Nếu thơ làm con người ta biết rung cảm thì thiền, triết
dẫn ta đến những triết lý, suy tưởng theo hướng chân, thiện, mỹ. Nhưng quan trọng
nhất vẫn là hình tượng để biểu đạt nội dung và ý nghĩa của con chữ. Tôi không
chạy theo đời thường dễ tính, mà bắt người xem phải suy nghĩ, nghiền ngẫm. Về kỹ
thuật có thể non kém nhưng về ý tưởng thì phải đạt trình độ cao”.
Những tác phẩm đặc sắc của ông thường thể
hiện về gia đình, quê hương, những triết lý trong cuộc sống. Tất cả những tác
phẩm thư pháp của ông đều được họa hình vô cùng đặc sắc, truyền tải đến người
xem cảm xúc vừa dâng trào vừa sâu thẳm. Chữ “Mẹ” trong bức thư pháp của ông là
hình ảnh người mẹ đang ôm đứa con thân ye7u của mình, hay chữ “Thầy” là hình ảnh
người lái đò qua sông, chữ “Quê hương” là hình ảnh vầng trăng, bến nước, con
đò. Chữ “Nhẫn” như những giọt nước nhỏ xuống gây tràn, như nhắc chúng ta phải
biết nhẫn.
Trong thời gian viết thư pháp họa Viên Ngộ
cảm nhận được nhiều niềm vui mà ông xem như phép màu kỳ diệu mang lại, ông kể:
”Nhiều đôi vợ chồng đang lục đục, gây gổ đã tìm đến nhờ tôi viết tặng bức thư
pháp họa. Sau khi nhận tác phẩm, họ cảm nhận được niềm vui, cùng chia sẻ với
nhau và biết lắng nghe nhiều hơn. Như chuyện của cô Chủ tịch hội đồng quản trị
của 1 doanh nghiệp nọ muốn tặng cho chồng mình 1 bức thư pháp để diễn tả nỗi lòng mình,
sau khi nhận tác phẩm của tôi, cả 2 vợ chồng đều rất tâm đắc và vô cùng biết
ơn…”
Thư pháp họa của Viên Ngộ đầy thần thái,
nhiều xúc cảm khiến cho người xem bị cuốn hút. Bức tranh thư pháp của ông như
có khả năng cảm hóa được lòng người. Ông chia sẻ thêm: “Có 1 người mẹ buồn lòng
vì cậu con trai ngỗ ngược, không biết nghe lời nên tìm đến tôi nhờ viết thư
pháp. Sau khi mang tác phẩm về treo trong nhà, có điều lạ là cậu bé rất thích bức
thư pháp và từ đó cũng nghe theo lời mẹ hơn”.
Chiêm nghiệm về cuộc sống cùng những đam mê
với nghệ thuật thư pháp họa được gói gọn trong 4 câu thơ do chính ông sáng tác:
“Lấy trí tuệ làm bút
Máu từ tim làm mực
Yêu thương và trung thực
Viết nên thành chữ Tâm”
Chúc cho ông, nghệ sĩ thư pháp họa tài ba có
thật nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui trong cuộc sống để tiếp tục cống những tác
phẩm đặc sắc cho đời.
ĐÌNH
QUÂN
Báo
Bảo vệ Pháp Luật